
Cha mẹ nên làm gì khi con “nghiện” Smartphone liên tục suốt ngày?
Trẻ em nghiện điện thoại, trẻ nghiện smartphone, ipad… đang là vấn đề nóng của các bậc phụ huynh ngày nay. Tình trạng này vô cùng phổ biến, khiến không ít gia đình đau đầu. Vậy bố mẹ phải làm gì khi con “nghiện” Smartphone suốt ngày không chịu buông?
Nhiều gia đình đã cho trẻ sớm làm quen với máy tính, smartphone, máy tính bảng từ rất sớm với lý do “phát triển trí thông minh, sáng tạo”. Thế nhưng sau một thời gian; các phụ huynh hiện thấy nếu không có iPhone, iPad thì chúng không chịu ăn; không chịu ngừng khóc và đòi “bằng được” những thiết bị này.
Nếu rơi vào tình trạng này, rất có thể con của bạn đã dành sự ham mê quá mức dành cho các thiết bị điện tử, hay còn gọi là chứng “nghiện” điện thoại. Do vậy để trẻ nhỏ vừa học, vừa chơi trên điện thoại, máy tính bảng một cách hiệu quả và đảm bảo sức khỏe; bạn đọc có thể tham khảo những mẹo làm gì khi con “nghiện” Smartphone hữu ích dưới đây.
Làm gương cho trẻ
Trẻ em bắt chước hành vi của người lớn. Trên thực tế, chỉ cần quan sát một đứa trẻ khi còn nhỏ là có thể đoán biết được hành vi cha mẹ chúng thường làm. Nếu cha mẹ hay kè kè điện thoại ở mọi nơi; mọi lúc, chắc chắn con cái cũng sẽ học theo.
Dù công việc có thể cần sử dụng thiết bị công nghệ thường xuyên; cha mẹ cũng cần ý thức sự có mặt của con để hạn chế thói quen của mình. Không có điều gì quan trọng hơn tương tác gia đình và mối quan hệ cha mẹ con cái; hãy đảm bảo dành cho con những khoảng thời gian trọn vẹn không có sự ảnh hưởng của công nghệ.

Không dùng bạo lực
Khi bạn dùng bạo lực với con làm gương cho những đứa trẻ khác thì điều này vô nghĩa; thậm chí là phản tác dụng. Những đứa trẻ này thường chán học và rất bướng; càng đánh sẽ càng không nghe lời. Hãy nên kiên nhẫn ngồi xuống với trẻ và tìm hiểu nguyên nhân.

Đưa ra các hình phạt
Ngoài việc quy định thời gian trẻ được xem điện thoại trong một ngày; cha mẹ cũng nên đưa ra hình phạt khi con mắc lỗi bằng cách hạn chế hoặc không được xem điện thoại. Ví dụ, con chơi xong không dọn đồ chơi thì bị phạt không được xem điện thoại; không chào hỏi người lớn, bị cấm xem điện thoại trong 3 giờ… Bằng cách này, cha mẹ sẽ từ từ cách ly điện thoại khỏi trẻ.

Đừng cấm, hãy đưa ra lựa chọn khác
Nhiều phụ huynh quen dùng các biện pháp “thô cứng” như quát mắng; giằng lấy thiết bị khi con trẻ quá ham mê và không chịu “rời mắt” khỏi điện thoại, máy tính. Tuy nhiên phương pháp này khiến chúng nảy sinh tư tưởng “chống đối”; tệ hơn là có thể tìm cách để qua mặt bạn.
Hãy luôn cố gắng ở cùng “chiến tuyến” với con. Chẳng hạn nếu không muốn chúng xem TV quá lâu, hãy đưa ra những gợi ý khác như chơi đồ chơi, chơi thể thao, đi siêu thị, đi mua đồ chơi, đi câu cá,… để trẻ tìm thấy niềm vui khác thay thế.

Dành thời gian chơi với con
Đây là cách tốt nhất để loại bỏ thói quen xem điện thoại của trẻ. Cuộc sống hiện đại khiến các bậc cha mẹ có ít thời gian dành cho con, điều này khiến trẻ cảm thấy cô đơn; sẽ có xu hướng giải tỏa cảm xúc bằng việc chơi game, xem các video trên điện thoại.
Thay vì bỏ mặc con; cha mẹ cần dành nhiều thời gian chơi và quan tâm đến trẻ. Khi đi làm về, bạn có thể rủ con cùng vào bếp, cùng dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện; hỏi han con về các hoạt động trong ngày của con. Mỗi ngày, các bố mẹ cũng có thể nghĩ ra các trò chơi, hoạt động để tạo sự hứng thú cho trẻ ví dụ: cùng con vẽ một bức tranh, xếp hình, cắt dán lọ hoa, đọc truyện, tô màu…Điều này không chỉ tăng thêm sự gắn kết gia đình, mà các trò chơi trên còn kích thích sự sáng tạo và khả năng tưởng tượng của bé. Đặc biệt, trẻ cũng sẽ không còn thời gian “rảnh” mà nghĩ đến việc sử dụng điện thoại.

Tạo điều kiện cho con vui chơi cùng bạn bè
Trẻ em ngày nay xem phim, chơi game và giải trí bằng các thiết bị công nghệ nhiều hơn đi chơi với bạn bè. Cha mẹ nên khuyến khích, tạo điều kiện để con tụ tập; giao tiếp với bạn bè nhiều hơn. Đó có thể là các hoạt động ngoại khóa; những buổi vui chơi ở ngoài sân công cộng; hoặc họp mặt ăn uống tại nhà cùng vài người bạn thân. Tuy nhiên, hãy khéo léo ra quy định không sử dụng điện thoại, tivi trong suốt buổi gặp gỡ. Bạn có thể chuẩn bị các loại đồ chơi tập thể để trẻ giải trí và đồ ăn, thức uống để trẻ giao lưu với bạn bè.
Tập cho bé chơi thể thao, tham gia các hoạt động ngoại khóa
Đối với các trẻ nhỏ có thể tham gia các môn thể thao như: xe thăng bằng, đá bóng, trượt patin, trẻ lớn hơn có thể là bơi lội, đá cầu… Việc theo đuổi một môn thể thao không chỉ có tác dụng giúp trẻ phát triển toàn diện mà cũng là cách để trẻ bỏ dần thói quen xem điện thoại.
Vào các dịp cuối tuần, cha mẹ cũng nên đăng ký cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường, lớp hoặc các câu lạc bộ để trẻ tự tin và rèn luyện các kỹ năng của mình.
Nhắc nhở con ưu tiên học tập
Trẻ có thể xem ti vi, chơi game hay chat chit hàng giờ trên mạng. Thói quen này gây phân tâm và ảnh hưởng tới công việc học tập. Không cần cấm đoán trẻ từ bỏ các thiết bị công nghệ, nhưng hãy dạy cho trẻ biết việc học tập quan trọng hơn, và trẻ sẽ được giải trí sau khi hoàn thành bài tập.

Video tham khảo:
_________________________________________
Tài liệu tham khảo:
Frontiers in Psychiatry
Journal of Behavioral Addictions
Psychology Today
World Health Organization